Table of Contents
Đọc diễn cảm là một trong những kỹ năng quan trọng của môn Tiếng Việt lớp 2. Kỹ năng này giúp học sinh thể hiện được nội dung, cảm xúc của bài văn, thơ một cách sinh động, hấp dẫn.
Lí do nên hướng dẫn các em học sinh lớp 2 đọc diễn cảm là:
- Giúp các em hiểu được nội dung, cảm xúc của bài văn, thơ. Khi đọc diễn cảm, học sinh cần sử dụng các yếu tố như giọng đọc, ngắt nghỉ, nhấn giọng, tốc độ đọc,… để thể hiện được nội dung, cảm xúc của bài văn, thơ. Điều này giúp các em hiểu được ý nghĩa của bài văn, thơ một cách sâu sắc hơn.
- Giúp các em phát triển khả năng giao tiếp. Đọc diễn cảm giúp các em rèn luyện khả năng phát âm, sử dụng ngôn ngữ một cách trôi chảy, mạch lạc. Điều này giúp các em tự tin hơn khi giao tiếp trong cuộc sống.
- Giúp các em phát triển khả năng thẩm mỹ. Đọc diễn cảm giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ, từ đó bồi dưỡng tình yêu văn học, nghệ thuật.
- Giúp các em phát triển khả năng sáng tạo. Đọc diễn cảm giúp các em hình thành khả năng tưởng tượng, sáng tạo. Khi đọc diễn cảm, các em có thể tự mình thể hiện nội dung, cảm xúc của bài văn, thơ theo cách riêng của mình.
Trong bài viết này, Mực Đỏ xin chia sẻ tới thầy/cô Sáng kiến kinh nghiệm: Biện pháp nâng cao kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 2. Đây là tài liệu được Mực Đỏ sưu tầm và chia sẻ, thầy/cô xem và tải về miễn phí ở cuối bài viết.
1 BIỆN PHÁP NÂNG CAO KĨ NĂNG ĐỌC DIỄN CẢM CHO HỌC SINH LỚP 2
1. Lý do trình bày biện pháp
Tiếng Việt là một trong những môn học vô cùng quan trọng trong chương trình giáo dục tiểu học. Trong đó phân môn tập đọc đóng vai trò chủ đạo. Học sinh có đọc thông mới viết thạo, mới học được những môn học khác. Nhưng trên thực tế, môn tập đọc ngày đang bị “hiểu sai” bởi rất nhiều giáo viên cũng như phụ huynh học sinh cho rằng “ chỉ cần dạy con em mình biết đọc, đọc to, đọc rõ ràng là được mà không cần phải đọc diễn cảm. Điều đó là một thực trạng rất đáng buồn. Chính vì vậy tôi đã mạnh dạn đưa ra giải pháp “ Biện pháp rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh lớp 2”
2. Nội dung các biện pháp
Biện pháp 1: Thiết lập tổ chức lớp học, phân hóa đối tượng học sinh
a) Thiết lập tổ chức lớp học
– Ngay sau khi được phân công tiếp tục chủ nhiệm lớp 1E lên lớp 2E và là giáo viên dạy Tiếng Việt của lớp, công việc đầu tiên của tôi là củng cố nề nếp học tập cho các em. Phân công, giao nhiệm vụ cho ban cán sự lớp. Kiểm tra trình độ, phân hóa các đối tượng học sinh. Sắp xếp chỗ ngồi xen kẽ cho các em, một bạn có học lực tốt giúp đỡ bạn học chưa tốt.
– Trong giờ lên lớp, ra chơi tôi luôn giáo dục các em xây dựng nề nếp lớp học như đọc theo nhóm, khuyến khích các em đọc báo, truyện để rèn khả năng đọc cho các em.
b) Phân hóa đối tượng học sinh
* Đối với học sinh đọc yếu
– Tìm hiểu nguyên nhân vì sao em đó đọc yếu, hạn chế tiếp thu những phần nào. Có thể là ở gia đình các em đó không có thời gian học tập vì phải làm nhiều việc hoặc em đó có lỗ hổng về kiến thức nên cảm thấy chán nản.
– Giáo viên lập kế hoạch giúp đỡ đối tượng bằng những việc cụ thể như sau:
+ Hướng dẫn, rèn kỹ năng đọc cho các em vào những thời gian ngoài giờ lên lớp.
+ Tổ chức giao nhiệm vụ cho đôi bạn cùng tiến, bạn biết hướng dẫn bạn không biết, bạn biết nhiều hướng dẫn bạn biết ít.
+ Đưa ra yêu cầu đọc từ dễ đến khó để học sinh có thể tự đọc được nhằm tạo hứng thú và củng cố niềm tin ở các em.
+ Thường xuyên kiểm tra các đối tượng đó trong quá trình lên lớp, sử dụng nhiều biện pháp để hướng dẫn, uốn nắn và khắc phục những sai sót mà các em gặp phải như không biết điều chỉnh nhịp thở, lấy hơi, uốn lưỡi khi đọc…
+ Tổ chức cho học sinh học theo nhóm để học sinh khá giỏi giúp đỡ học sinh yếu kém tiến bộ.
+ Gặp gỡ phụ huynh học sinh trao đổi về tình hình học tập, cũng như sự tiến bộ của con em để phụ huynh giúp đỡ thêm việc học ở nhà cho các em.
+ Chú ý tránh thái độ miệt thị, phân biệt đối xử làm cho các em nhụt chí, xấu hổ trước bạn bè.
Học sinh giúp đỡ nhau trong giờ tập đọc
* Đối với những học sinh có kỹ năng đọc tốt
– Cùng với nhà trường lập kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho các đối tượng này.
– Bồi dưỡng, khơi dậy ở các em lòng say mê hứng thú học tập thông qua những hội thi, những buổi nói chuyện ngoại khoá hoặc gần gũi nhất ngay trong tiết học chính khoá.
Học sinh thuyết trình trong hội thi
Tóm lại dù với đối tượng nào bản thân giáo viên phải lưu ý dùng phương pháp tác động tình cảm, động viên khích lệ kịp thời, phối hợp với phụ huynh để giáo dục và đặc biệt xác định vấn đề giáo dục kiến thức – kỹ năng, phẩm chất, năng lực là vấn đề then chốt.
Biện pháp này đã giúp học sinh có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cả quá trình học. Giúp các em phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động trong giờ học. Các em tự tin khi đọc bài.
Biện pháp 2. Rèn cho học sinh các kỹ năng đọc.
a. Rèn kỹ năng đọc đúng cho học sinh
+ Rèn kỹ năng tái hiện chính xác bài đọc
– Luyện cho học sinh đọc chính xác từ, không thêm từ, bớt từ, nhảy từ. Để các em có thể đọc đúng, tái hiện chính xác bài đọc thì tôi chia bài đọc thành các đoạn đọc phù hợp với trình độ của học sinh. Dựa vào bố cục của tác phẩm tôi chỉ định số học sinh tham gia đọc nối tiếp ở mỗi lượt đọc. Trong quá trình học sinh đọc tôi luôn theo dõi phát hiện những lỗi sai về cách phát âm, ngắt nghỉ hơi về ngữ điệu của các em từ đó có phương pháp rèn cho các em đọc đúng, chính xác. Bên canh đó trong quá trình đọc tôi sẽ chú ý đến những từ khó, giải thích ý nghĩa, luyện cho các em đọc các từ khó đó rồi cho các em luyện đọc lại từng câu, từng đoạn.
+ Rèn kỹ năng phát âm đúng
– Luyện cho học sinh phát âm đúng các âm ( âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối) như ch/tr, s/x. l/n, b/v…
– Luyện cho học sinh phát âm đúng nguyên âm đôi.
– Luyện phát âm đúng các thanh điệu, kết hợp với thanh vần
Cách làm: Tôi hướng dẫn học sinh phân biệt giữa 1 âm mặt lưỡi (ch) và một phụ âm quặt lưỡi ( tức là khi phát âm lưỡi phải cong lên)
+ Tôi phát âm mẫu để học sinh theo dõi, sau đó gọi 1 vài em có khả năng đọc tốt lên thực hiện, rồi gọi một vài em có khả năng đọc yếu hơn đọc lại để giúp các em có thể phát hiện và dễ dàng sửa lỗi sai của mình.
+ Tôi đọc mẫu một đoạn, một bài để học sinh lắng nghe và từ đó xác định giọng đọc. Khi đọc mẫu tôi thường chọn những từ, cụm từ khó mà học sinh thường xuyên mắc lỗi để chữa lỗi phát âm sai và đồng thời cũng rèn cho học sinh các đọc đúng góp phần giúp học sinh viết đúng trong các bài chính tả.
VD: Khi phát âm chữ “tr” đầu lưỡi chạm vào vòm cứng bật ra không có tiếng thanh
Khi phát âm chữ “v” răng trên ngậm hờ môi dưới, hơi ra bị sát nhẹ.
Để tiến hành dạy học sinh tập đọc thì người giáo viên phải hiểu rõ học sinh của mình đang ở mức độ nào, phát âm sai ở đâu, những từ nào là khó đối với các em từ đó có những phương pháp rèn luyện thích hợp, vừa sức với từng đối tượng học sinh trong lớp.
b. Rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh
Để rèn kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh tôi tiến hành các bước sau:
Bước 1: Luyện cho học sinh đọc thầm, đọc thành tiếng
– Giáo viên phải hướng dẫn cho các em chuẩn bị tâm thế trước khi đọc. Khi ngồi đọc phải ngồi ngay ngắn, khoảng cách từ mắt đến sách là 30-35cm, cổ đầu thẳng, thở sâu, thở ra chậm để lấy hơi. Giáo viên phải tạo cho học sinh tâm lý thoải mái, bình tĩnh, tự tin trước và trong khi đọc, không giục giã, gò ép, đưa thêm yêu cầu trong quá trình học sinh đọc.
Đọc thành tiếng: Rèn cho học sinh phát âm đúng, không ê a, không kéo dài từ tiếng này qua tiếng khác, hướng dẫn học sinh ngắt nghỉ đúng dấu chấm, dấu phẩy, phân biệt câu thơ, dòng thơ. Đối với đoạn văn thì hướng dẫn học sinh biết đọc thành từ, cụm từ. Trong quá trình hướng dẫn tôi đã sử dụng dấu gạch chéo để hướng dẫn học sinh ngắt nghỉ đúng nhịp.
VD: Hướng dẫn học sinh đọc đúng, biết ngắt, nghỉ đúng chỗ đoạn thơ sau:
Em yêu mái trường/
Có hàng cây mát/
Xôn xao khúc nhạc/
Tiếng chim xanh trời/
Trích bài yêu lắm trường ơi , Tiếng Việt 2 tập 1
Đọc thầm: Giải thích cho học sinh hiểu thế nào là đọc thầm. Yêu cầu học sinh đọc thầm theo bạn, hoặc đọc thầm để tìm từ khó, tìm xem trong bài có những nhân vật nào?…
VD: Đọc thầm đoạn văn sau và tìm từ khó:
Mùa này, người làng tôi gọi là mùa nước nổi, không gọi là mùa nước lũ vì nước lên hiền hòa. Nước mỗi ngày một dâng lên, mưa dầm dề, mưa sướt mướt ngày này qua ngày khác
Trích bài Mùa nước nổi – Tiếng Việt 2 tập 1
Từ khó: Sướt mướt
– Tùy từng đối tượng học sinh mà giáo viên có những cách cổ vũ khác nhau. VD: Đối với những em đọc yếu khi các em đọc xong giáo viên có thể sử dụng hình thức khen: “ Hôm nay em có tiến bộ hơn hôm trước, cần phát huy ở những lần sau”, “cả lớp vỗ tay cổ vũ”…
Động viên bạn học trong giờ tập đọc
Bước 2: Luyện kỹ năng xác định và thể hiện giọng điệu của bài khi đọc
Để làm được điều này tôi cho học sinh làm quen với bài đọc để xác định giọng đọc chung cho cả bài. Tùy thuộc vào bài tập đọc và thơ, văn xuôi, truyện… mà có giọng đọc khác nhau. Ví dụ : văn bản là thơ trữ tình, với nội dung ca ngợi hoặc giãi bày tình cảm thì giọng điệu phải trìu mến, tha thiết; văn bản là truyện cười thì giọng điệu phải hóm hỉnh, sôi nổi;…vì vậy để học sinh xác định được giọng đọc tôi đã hướng dẫn, gợi mở để học sinh phát hiện được giọng điệu cơ bản của toàn bài và giọng điệu ở từng đoạn văn lớn trong bài.
VD: Đối với bài kể chuyện Hai anh em TV2 tập 1 với giọng phải thể hiện tình cảm, sự quan tâm và nhường nhịn lẫn nhau
GV tổ chức cho học sinh đàm thoại, nhận ra thể loại văn bản ( truyện cười, thơ, truyện ngụ ngôn…), hiểu ý đồ của tác giả khi phản ánh, mô tả hiện thực, thể hiện thái độ tâm tư nguyện vọng…của mình. Các câu hỏi tôi đưa ra với đối tượng học sinh lớp 2 tương đối dễ.
Bước 3: Luyện kỹ năng thể hiện ngữ điệu trong khi đọc
Hướng dẫn các em đọc đúng cường độ ( độ mạnh, yếu, to, nhỏ của âm thanh giọng đọc), trường độ ( độ ngắn, dài của âm thanh giọng đọc), âm sắc, nhịp điệu ( tốc độ nhanh , chậm), ngắt, nghỉ hơi, âm vực( giọng lên cao hay hạ xuống..) để thể hiện thái độ, tình cảm , cảm xúc của tác giả trong tác phẩm.
Bước 4. Luyện đọc nhanh, làm chủ tia mắt khi đọc
Khi dạy phần “đọc” người giáo viên hướng dẫn học sinh làm chủ tốc độ đọc, không ê a, ngắt nghỉ tự do bằng cách đọc mẫu cho học sinh đọc theo, đọc nối tiếp, đưa theo ánh mắt để không bỏ sót từ, tiếng, không thêm tiếng hay lạc giọng. Đối với những học sinh yếu hay bỏ sót tiếng, thêm từ giáo viên có thể dùng que chỉ để chỉ từng từ, hoặc dùng thước đặt dưới dòng kẻ cho học sinh đọc.
Bước 5: Luyện kỹ năng thể hiện nét mặt, điệu bộ trong khi đọc:
+ Giáo viên làm mẫu:
– Tư thế: Giữ tư thế tự nhiên, thoải mái, không gò bó, không đi lại nhiều tránh làm học sinh mất tập chung.
– Cử chỉ: Phù hợp với xúc động trong quá trình đọc
– Nét mặt, ánh mắt: Phù hợp với nội dung tác phẩm, tạo được sự giao cảm với học sinh
+ Hướng dẫn học sinh:
– Khi đọc một truyện cười thì nét mặt phải tươi cười, niềm nở
– Ánh mắt phải linh hoạt, không chăm chú quá nhiều vào sách
Sau khi áp dụng biện pháp này tôi thấy học sinh nắm chắc chắn các kỹ năng đọc từ đó giúp các em có kiến thức cơ bản ban đầu để luyện đọc diễn cảm. Các em sẽ không còn cảm thấy nhàm chán khi đọc.
Biện pháp 3. Áp dụng các hình thức, phương pháp, đồ dùng dạy học khác nhau để tạo hứng thú cho học sinh trong giờ tập đọc.
Khi dạy bài tập đọc ngoài việc cho các em tìm hiểu nội dung bài, phân biệt giọng nói, tìm từ khó hay cho các em luyện đọc đoạn tôi còn cho các em luyện đọc theo nhóm, tổ chức cho các em thi đọc theo nhóm hoặc thi đọc theo vai.
– Sử dụng băng đĩa, video để rèn các em đọc diễn cảm
– Sử dụng máy ghi âm để ghi lại giọng đọc chuẩn cho các em tham khảo
– Sử dụng những hình ảnh ngộ nghĩnh để lôi kéo học sinh muốn tìm hiểu
– Sử dụng những trò chơi gần gũi, thiết thực để lôi cuốn các em trong tiết dạy.
VD: Trong bài “ bé làm việc nhà” tôi sử dụng trò chơi “ trốn tìm cùng bạch tuyết”. Những hình ảnh ngộ nghĩnh, kích thích học sinh tìm tòi, muốn đọc để tìm ra câu trả lời.
Biện pháp 4. Tổ chức các cuộc thi trong tiết tập đọc
Để học sinh không bị nhàm chán khi phải đọc, người giáo viên có thể tổ chức các trò chơi, cuộc thi xen vào các hoạt động tự học. VD:
a) Thi đọc truyền điện: Đầu tiên giáo viên gọi 1 học sinh đọc đúng 1 từ hoặc 1 câu , sau đó em đó sẽ chỉ định một bạn bất kì đọc từ hoặc câu tiếp theo. Cứ như vậy, có bao nhiêu từ hoặc bao nhiêu câu thì có bấy nhiêu em đọc.
b) Thi bắt thăm đọc bài: Cuộc thi này thường được tổ chức ở các bài ôn . Lớp sẽ chia thành nhiều đội, mỗi đội cử thành viên lần lượt bốc thăm. Sau đó từng đội đồng thanh đọc thành tiếng bài khóa ghi trong tờ thăm. Đội nào đọc to, rõ ràng, đều nhất đội đó sẽ chiến thắng và giành được phần quà
c) Thi đọc: Tổ chức dưới hình thức thi đọc giữa các tổ, thi kể chuyện Bác Hồ, thi giới thiệu sách, báo mà em yêu thích.
Biện pháp 5. Hướng dẫn các em sử dụng internet hiệu quả trong việc rèn kỹ năng đọc diễm cảm
Đa số các em học sinh trong lớp được bố mẹ trang bị cho điện thoại thông minh, máy tính bảng. Giáo viên không lên tẩy chay Internet mà phải biết cách dạy các em sử dụng đúng mục tiêu bằng cách hướng dẫn các em tham gia những Trò chơi “sạch”, kiến thức “sạch”, những trang web “sạch” liên quan đến việc học, rèn luyện tập đọc của các em góp phần giúp các đọc diễn cảm tốt hơn, đồng thời nâng cao kiến thức, vốn tiếng Việt.
3. Hiệu quả thực hiện của biện pháp
Qua quá trình nghiên cứu và áp dụng vào giảng dạy rèn kĩ năng đọc diễn cảm cho học sinh đã thu được kết quả, học sinh đọc đúng, trơn tru , lưu loát biết ngắt nghỉ, nhấn giọng, biết biểu lộ cảm xúc khi đọc, có em đã biết kết hợp giữa giọng đọc diễn cảm với điệu bộ nét mặt làm cho giờ tập đọc trở nên sôi nổi hơn. Hơn nữa học sinh không còn rụt rè, nhút nhát đã mạnh dạn tự tin hơn khi đọc bài, đóng vai kể chuyện trước lớp và khi giao tiếp với người khác. Đọc diễn cảm giúp các em thể hiện, truyền đạt được những tâm tư tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc.
Kết quả bài kiểm tra đọc trước khi áp dụng các biện pháp tại lớp 2E Trường Tiểu học Nguyễn Huệ như sau:
Thời điểm khảo sát TS
HS Hoàn thành tốt Hoàn thành Chưa HT
SL TL SL TL SL TL
Cuối năm 2021-2022 28 7 25% 21 75% 0 0
Kết quả bài kiểm tra đọc sau khi áp dụng các biện pháp tại lớp 2.. Trường ….. như sau:
Thời điểm khảo sát TS
HS Hoàn thành tốt Hoàn thành Chưa HT
SL TL SL TL SL TL
Giữa học kì 1 năm 2022-2023 28 12 42,85% 16 57,15% 0 0
Từ kết quả trên, tôi nhận thấy các biện pháp mà mình đã áp dụng thực sự mang hiệu quả cao. Số lượng học sinh xếp loại hoàn thành tốt đã tăng 5 học sinh tương ứng tăng 17,85% và số lượng học sinh xếp loại hoàn thành đã giảm 5 học sinh tương ứng với giảm 17,85%.Tôi tin rằng nếu biện pháp của tôi được áp dụng ở các lớp 2 khác trong trường và các đơn vị trường bạn thì chắc chắn các em học sinh sẽ thực sự trở thành những người khám phá tri thức, tích cực tham gia các hoạt động học tập, chất lượng học sinh tăng lên.
4. Kết luận nội dung trình bày.
Qua nghiên cứu đề tài tôi nhận thấy: Nếu bản thân người giáo viên nắm vững các mạch kiến thức trong môn Tiếng Việt nói chung, kiến thức của phần tập đọc nói riêng; hiểu được các ví dụ, ý đồ của tác giả trong sách giáo khoa thì chắc chắn việc dạy học sẽ trở nên đơn giản hơn đồng thời giáo viên cũng truyền thụ các kiến thức đó cho học sinh một cách đúng nhất, thực tế nhất..
Hơn nữa, bằng việc tìm hiểu mạch kiến thức, nội dung dạy học trong sách giáo khoa, giáo viên sẽ thấy được mối liên hệ mật thiết giữa các bài học. Từ đó giáo viên mới huy động kiến thức học sinh đã có một cách tối đa làm tiền đề cho học sinh khám phá bài học mới, qua đó cũng trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết nhất để học sinh vận dụng vào thực tiễn cuộc sống
Qua quá trình dạy, ngoài việc truyền đạt chuẩn kiến thức kỹ năng tới học sinh thì giáo viên còn cần nắm được đặc điểm nhận thức của học sinh để từ đó có các phương pháp rèn các kỹ năng đọc cho học sinh; định hướng đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng, phát huy được tính tích cực trong mỗi bản thân các em.
Đối với học sinh cần có sự quan tâm của giáo viên đến tất cả các đối tượng học sinh để các em đạt được mục tiêu giáo dục đề ra và phát triển được tư duy cho học sinh hoàn thành tốt, tạo điều kiện cho các em phát triển về mọi mặt.
Trên đây là các biện pháp mà tôi đã áp dụng trong năm học 2022-2023.Trong bản báo cáo không tránh khỏi những thiếu sót, tôi mong nhận được ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng nghiệp để các biện pháp của tôi thực hiện có hiệu quả hơn góp phần nâng cao chất lượng môn Toán nói chung và dạy học có yếu tố hình học, đặc biệt là tính diện tích hình thang nói riêng.
Hưng Yên, ngày 1 tháng 11 năm 2022
CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP Người viết