Dịch giả: Minh Thuỳ
Số trang: 290 trang
Khổ: 14.5×20.5 cm | Bìa mềm
Giá bìa: 98.000 VNĐ
Nhà xuất bản Thanh Niên
Mua tại Tiki Mua tại Shopee Mua tại FAHASA
Review sách HAI MẶT CỦA GIA ĐÌNH
Một thời gian dài đọc tâm lí nhưng mình nhận thấy vấn đề của cá nhân chưa thật sự giải quyết. Cho đến khi đọc được những quyển sách viết về đứa trẻ bên trong, cuộc sống thuở nhỏ ở gia đình, những ảnh hưởng của gia đình đến một con người. Trong những quyển tâm lí mình đọc thì đây chỉ là một nhánh nhỏ của tâm lí học phát triển. Nhưng theo mình đây thực sự ảnh hưởng đến cả một cuộc đời của một con người.
Mình đã từng gặp những người bạn họ yêu tha thiết ba mẹ họ nhưng họ cũng căm ghét ba mẹ họ. Cũng giống như cảm giác vừa yêu thương ba mẹ vừa tránh né ba mẹ của mình. Những cảm giác thuở nhỏ như được yêu thương, được quan tâm, được tin tưởng, được thuộc về…nếu không được thoả mãn thì nỗi đau có thể kéo dài cả cuộc đời. Đứa con căm ghét ba mẹ cư xử với mình như thế và sau đó cũng bước vào cuộc sống gia đình với một bản sao y chang như thế. Tất cả cứ như một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Thế nên trang bị thêm tâm lí, tìm hiểu đến tận cùng để chấm dứt những tổn thương là điều cần thiết. Hiểu mình, hiểu ba mẹ và thương đủ nhiều để con mình đừng khổ như thế nữa.
Quyển sách này đi vào giải quyết 4 vấn đề chính.
1. Nghiêm túc nhìn lại những tổn thương thơ ấu
Cho mình những khoảng lặng, ngẫm thật kĩ để hiểu tại sao tính cách mình như thế. Những tổn thương nào, cô đơn nào, sợ hãi nào, sự tự ti nào vẫn còn đến hôm nay. Thay vì che lấp bằng những cách giải quyết tạm thời bạn buộc phải đối diện trực tiếp với nỗi đau này. Dù mình biết nó sẽ không dễ chịu. Nhưng duy chỉ có cách đó mới thay đổi dẫn bạn đến một cuộc sống hạnh phúc hơn.
2. Những tổn thương sẽ ảnh hưởng đến cách bạn chọn bạn đời
Tại sao lại có chuyện bạn vừa thương và vừa ghét chính người đẻ ra mình? Vì bạn biết được họ gây cho bạn tổn thương như nào. Bạn thương vì bạn hiểu họ sinh ra bạn, tình cảm dành cho những bậc sinh thành, khao khát tình thương đến từ ba mẹ là một chuyện rất hiển nhiên. Trở lại vấn đề bạn dù ghét nhưng bạn vẫn có thể trở thành y chang một mẫu người như thế. Hoặc đơn giản bạn ghét bố yếu đuối, nhu nhược, nhưng vẫn lấy một người chồng như thế. Nó cho bạn cảm giác gia đình, nó cho bạn khao khát để thay đổi người đàn ông như thế, nó cho bạn tình yêu thương mang dáng dấp của bố.
Thế nên khi đủ hiểu bản thân, đủ hiểu người bạn đời đã có một tuổi thơ như nào bạn sẽ có những hướng ra, cách xử lí để bản thân mình tránh khỏi những sai lầm. Và đặc biệt để mình vui hơn có một gia đình hạnh phúc hơn.
3. Gia đình là nơi cho và nhận những tổn thương
Ở chương này tác giả phân tích những con quái vật tổn thương. Những vết thương lòng từ ngoại tình, từ mối quan hệ tay ba. Từ việc một gia đình như thế ảnh hưởng như thế nào đến một đứa trẻ. Bố tổn thương, mẹ tổn thương, và đôi khi con cái là những người gánh chịu. Họ đổ lỗi cho đứa con. Thật ra phải đủ mạnh mẽ, yêu thương con đủ nhiều, để con hiểu ra rằng con không phải là lí do để dẫn đến bất hạnh của chính mình thì mới mong đứa trẻ sẽ lớn tốt. Thế nhưng có nhưng người nhẫn tâm chọn con cái làm nơi để trút gánh cho nỗi đau. Họ thương con nhưng cũng hận đứa con mình đứt ruột sinh ra.
4. Cách chữa những sai lầm, xây dựng gia đình hạnh phúc
Ý thức được những tổn thương đã qua rồi, lúc ấy quá nhỏ bạn không thể làm gì. Đừng trách mình nữa. Tha thứ cho chính cái tôi bé nhỏ trong quá khứ, vỗ về, yêu thương nó hơn. Sau đó là tha thứ cho ba mẹ, người đã tạo ra nỗi đau. Thương và giữ cho mình một khoảng cách, sau đó là quay về với một trái tim lành lặn hơn.
Chấm dứt vòng luẩn quẩn, xây dựng lại cho mình một cuộc sống hạnh phúc hơn ấm áp hơn, đủ đầy yêu thương hơn cho con của mình.
Kết luận:
Có những thứ sai lầm sẽ sửa chữa được có những thứ thì không. Mong rằng chúng ta đều xây dựng được hạnh phúc và đủ mạnh mẽ để chữa lành cho chính mình.
Nguồn: Tiên Hề