Table of Contents
Giáo án Ngữ văn 11 Kết nối tri thức theo công văn 5512 được soạn dưới dạng file Word và PPT bởi nhóm Ngữ Văn THPT. Đây là dự án cộng đồng nên thầy/cô có thể tải về miễn phí để sử dụng. Thầy/cô xem và tải về bên dưới.
1 Xem giáo án Demo
Ngày soạn: 25/7/2023
BÀI 1:
CÂU CHUYỆN VÀ ĐIỂM NHÌN TRONG TRUYỆN KỂ
Thời gian thực hiện: 11 tiết
(Đọc: 06 tiết, Thực hành tiếng Việt: 01 tiết, Viết: 02 tiết, Nói và nghe: 01tiết, Trả bài viết: Viết văn bản nghị luận: 01 tiết)
A. MỤC TIÊU CHUNG
1. Về kiến thức:
Hiểu được kiến thức cơ bản về thể loại tự sự với các khái niệm câu chuyện, điểm nhìn cùng với các kiến thức đã được học ở bài 7- SGK Ngữ văn 10, tập hai (người kể chuyện ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, cảm hứng chủ đạo và tình cảm, cảm xúc của người viết), làm rõ khái niệm qua hai tác phẩm Vợ nhặt và Chí Phèo.
2. Về năng lực:
– Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện ngắn hiện đại như: không gian, thời gian, câu chuyện, nhân vật, người kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyện ngôi thứ nhất, sự thay đổi điểm nhìn, sự nối kết giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật.
– Phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài câu chuyện, sự kiện, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm; nhận xét được những chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.
– Nhận biết được các đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói để có hướng vận dụng phù hợp, hiệu quả.
– Viết được văn bản nghị luận về một tác phẩm truyện, chú ý phân tích đặc điểm riêng trong cách kể của tác giả.
– Biết thuyết trình về nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm truyện.
3. Về phẩm chất:
– Biết yêu thương và có trách nhiệm đối với con người và cuộc sống.
– Thể hiện được tinh thần nhân văn trong việc nhìn nhận, đánh giá con người, đồng cảm với những hoàn cảnh, số phận không may mắn, trân trọng niềm khát khao được chia sẻ, yêu thương.
B. TIẾN TRÌNH BÀI DẠY
PHẦN 1: ĐỌC
Tiết 1,2,3 – VĂN BẢN 1: VỢ NHẶT
(03 tiết)
I. MỤC TIÊU
1. Về kiến thức:
– HS hiểu được nội dung, bối cảnh của tác phẩm; hoàn cảnh, số phận, tính cách từng nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật; tư tưởng nhân văn cao đẹp của tác giả thể hiện ở quan niệm về các giá trị, văn hóa ứng xử, tình cảm của con người trong hoạn nạn.
– HS hiểu được câu chuyện ngôi thứ ba thể hiện ở mức độ thấu suốt diễn biến cũng như mọi thay đổi tinh vi trong hành động, suy nghĩ của nhân vật; sự chuyển dịch linh hoạt điểm nhìn trong kể chuyện; khả năng chi phối cách nhìn nhận, đánh giá của người đọc về sự việc, nhân vật được miêu tả trong tác phẩm.
2. Về năng lực:
– HS nhận biết được chủ đề và giá trị tư tưởng của tác phẩm.
– HS nhận biết và phân tích được đặc sắc của tình huống truyện, ý nghĩa của nó trong việc bộc lộ tính cách nhân vật, chủ đề tác phẩm.
– HS nhận biết và phân tích được những nét đáng chú ý trong cách người kể chuyện quan sát và miêu tả sự thay đổi của các nhân vật thể hiện ở các khía cạnh: điểm nhìn, lời kể và giọng điệu.
– HS nhận biết và phân tích được một số yếu tố nổi bật của truyện ngắn hiện đại qua đọc tác phẩm
3. Về phẩm chất:
– HS biết trân trọng tình người, yêu thương con người, đoàn kết, cưu mang nhau để vượt qua nghịch cảnh.
– Sống luôn có ước mơ, khát vọng hạnh phúc, lạc quan và không bao giờ được từ bỏ cơ hội, cho dù đó là cơ hội nhỏ nhất.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC, HỌC LIỆU
1. Thiết bị dạy học:
a. Chuẩn bị của giáo viên
– KHBD, Bài giảng Power Point.
– Các tài liệu lí thuyết về truyện ngắn, tự sự học các bài nghiên cứu, phê bình về tác phẩm của Kim Lân. Một số sơ đồ về cốt truyện, nghệ thuật tổ chức điểm nhìn trong truyện ngắn Vợ nhặt.
– Phương tiện dạy học: Máy chiếu/Ti vi, máy tính kết nối mạng.
– Bảng giao nhiệm vụ cho học sinh ở nhà.
b. Chuẩn bị của học sinh
SGK, sách Bài tập Ngữ văn 11, bài soạn theo hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài, vở ghi.
2. Học liệu: tranh ảnh, đoạn phim ngắn, sơ đồ, bảng biểu, phiếu học tập.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
1. Tổ chức
Lớp | Tiết | Ngày dạy | Sĩ số | Vắng |
2. Kiểm tra bài cũ
3. Bài mới
HOẠT ĐỘNG 1: KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: Tạo tâm thế cho học sinh tiếp nhận câu chuyện qua một sự chia sẻ, cảm thông, yêu thương, đùm bọc nhau trong hoạn nạn của con người Việt Nam.
b. Nội dung:
– HS theo dõi video trên mạng xã hội YouTube do GV giới thiệu hoặc do HS chuẩn bị trước
– Vận dụng tri thức về cuộc sống và chính kiến của bản thân để trình bày vấn đề.
– HS biết độc lập suy nghĩ, làm chủ tình huống để có tư duy tiếp cận nội dung bài học.
– GV động viên khích lệ HS tự bộc lộ cảm xúc trước một vấn đề.
c. Sản phẩm: HS trao đổi suy nghĩ của mình
d. Tổ chức thực hiện:
Hoạt động của GV và HS | Dự kiến sản phẩm |
Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS xem video về nạn đói năm 1945 và nêu cảm nhận của em. https://www.youtube.com/watch?v=9KdeaPq7Pac Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ HS xem video và suy ngẫm. Bước 3: Báo cáo thảo luận – HS chia sẻ quan điểm của mình – HS theo dõi, nhận xét và phản biện. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện – GV đánh giá. – Từ đó GV dẫn vào bài mới | * HS chia sẻ theo sự hiểu biết của mình sau khi đã tìm hiểu. * Những thước phim cho thấy hiện thực cảnh sinh tử trong nạn đói lịch sử 1945. * Phát biểu suy nghĩ về bối cảnh lịch sử, tình cảnh đói khát, tinh thần cộng đồng, ý thức cách mạng… |
HOẠT ĐỘNG 2: HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
Nội dung 1. TÌM HIỂU TRI THỨC NGỮ VĂN
a. Mục tiêu: Nhận biết được những tri thức: Truyện ngắn hiện đại; câu chuyện và truyện kể; điểm nhìn trong truyện kể; lời người kể chuyện và lời nhân vật; ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
b. Nội dung:
– HS hoàn thành phiếu học tập ở nhà.
– GV tổ chức cho học sinh trình bày tại lớp
– HS tương tác, bổ sung vào hoàn thiện sản phẩm
c. Sản phẩm: Kết quả thực hiện nhiệm vụ của HS
d. Tổ chức thực hiện:
Hoạt động của GV – HS | Dự kiến sản phẩm |
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ GV cho học sinh trình bày nhanh tại lớp các nội dung: – Truyện ngắn hiện đại – Câu chuyện và truyện kể – Điểm nhìn trong truyện kể – Lời người kể chuyện và lời nhân vật – Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết Lưu ý HS kết nối lớp 10 và lớp 11: – Lớp 10: + Bài 1- Sức hấp dẫn của truyện kể: Truyện kể ( tr.9), người kể chuyện( tr.10) + Bài 7- Quyền năng của người kể chuyện: người kể chuyện ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, có gắn với điểm nhìn. Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ – HS dựa vào tri thức Ngữ văn ở SGK để hoàn thành phiếu học tập tại nhà – HS báo cáo kết quả theo hướng dẫn của GV Bước 3: Báo cáo thảo luận – HS lên trình bày kết quả làm việc cá nhân – Giáo viên tổ chức cho HS đánh giá, nhận xét kết quả làm việc của bạn. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện GV bổ sung kiến thức như phần Dự kiến sản phẩm | * Tìm hiểu tri thức Ngữ văn – Truyện ngắn hiện đại là thể loại tự sự cỡ nhỏ, ở đó, sự ngắn gọn được nhìn nhận là một đặc trưng nổi bật, phản ánh nét riêng của tư duy thể loại. Truyện ngắn thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong khoảng thời gian, không gian hạn chế. – Câu chuyện và truyện kể + Câu chuyện (còn có thể gọi là truyện gốc) là nội dung của tác phẩm tự sự bao gồm nhân vật, bối cảnh và sự kiện được sắp xếp theo trật tự thời gian. + Truyện kể gắn liền với câu chuyện nhưng không đồng nhất: nó bao gồm các sự kiện được tổ chức theo mạch kể của văn bản tự sự, gắn liền với vai trò người kể chuyện, hệ thống điểm nhìn và lớp lời văn nghệ thuật. Chú ý đến truyện kể tức là chú ý đến diễn biến câu chuyện được kể như thế nào. – Điểm nhìn trong truyện kể + Điểm nhìn được hiểu là vị trí để quan sát, trần thuật đánh giá của người kể chuyện. + Phân loại điểm nhìn trong tác phẩm tự sự: điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật được kể; điểm nhìn bên ngoài (miêu tả sự vật, con người ở những bình diện ngoại hiện, kể về những điều mà nhân vật không biết); điểm nhìn bên trong (kể và tả xuyên qua cảm nhận, ý thức nhân vật); điểm nhìn không gian (nhìn xa – nhìn gần) và điểm nhìn thời gian (nhìn từ thời điểm hiện tại, miêu tả sự việc như nó đang diễn ra hay nhìn lại quá khứ, kể lại qua lăng kính hồi ức)… – Lời người kể chuyện và lời nhân vật + Lời người kể chuyện gắn với ngôi kể, điểm nhìn, ý thức và giọng điệu của người kể chuyện. + Lời nhân vật là ngôn ngữ độc thoại hay đối thoại gần với ý thức, quan điểm, giọng điệu của chính nhân vật. – Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết + Ngôn ngữ nói (còn gọi là khẩu ngữ) là ngôn ngữ âm thanh, được tiếp nhận bằng thính giác. Ngôn ngữ nói gắn liền với hoạt động giao tiếp của con người trong đời sống thường nhật như trò chuyện ở gia đình, nhà trường, nhà máy, công sở,…; phát biểu trong giờ học, cuộc họp, hội thảo; trao đổi khi mua bán ở chợ, siêu thị,… + Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ được thể hiện bằng chữ viết, được dùng trong sách, báo, văn bản hành chính, thư từ,… Ngôn ngữ viết tồn tại trong các văn bản xuất hiện dưới nhiều hình thức vật thể khác nhau: văn bản viết tay, bản đánh máy, bản in, bản chữ nổi dành cho người khiếm thị,… |
Nội dung 2: ĐỌC VĂN BẢN VỢ NHẶT
2.1. Tìm hiểu khái quát
a. Mục tiêu:
– HS nhận biết được thông tin về tác giả Kim Lân.
– HS nhận biết được sự nghiệp sáng tác và hoàn cảnh ra đời truyện ngắn Vợ nhặt.
b. Nội dung:
– HS thực hiện theo yêu cầu của GV.
– HS dựa vào SGK và tìm hiểu qua Internet để nắm bắt được thông tin.
– GV hướng dẫn học sinh thực hiện và trình bày.
c. Sản phẩm: Kết quả hoạt động của học sinh.
d. Tổ chức thực hiện:
Hoạt động của GV – HS | Dự kiến sản phẩm |
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ 1. Đọc 2. Tác giả 3. Tác phẩm – GV yêu cầu HS làm việc ở nhà, (Sử dụng phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để diễn đạt), khi đến lớp thuyết trình ngắn gọn: + Cuộc đời và đóng góp của nhà văn Kim Lân. + Tác phẩm: Hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ. Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ – HS tham khảo SGK, nền tảng công nghệ số hoặc làm sơ đồ tư duy để thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo thảo luận – Báo cáo kết quả học tập tại lớp. GV gọi 1-2 em trình bày sản phẩm (Qua tivi/ máy chiếu/ giấy Ao). – GV tổ chức cho HS góp ý, nhận xét và bổ sung để hoàn thiện. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện – GV đánh giá, nhận xét kết quả làm việc của HS. | I. Tìm hiểu chung 1. Tác giả – Kim Lân (1920-2007) tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê Bắc Ninh. – Là cây bút chuyên viết truyện ngắn. – Thế giới nghệ thuật của ông chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông am hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của những người nông dân nghèo, rất gần gũi với sinh hoạt của ông – những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. à “nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn” (Nguyên Hồng). 2. Tác phẩm – Bối cảnh: nạn đói năm Ất Dậu (1945). – Xuất xứ: Tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư (viết ngay sau Cách mạng tháng Tám), mất bản thảo, còn dang dở. Sau đó tác giả viết lại thành truyện ngắn Vợ nhặt. |
2.2. Khám phá văn bản
a. Mục tiêu
– Nhận biết và phân tích được các yếu tố trong truyện ngắn hiện đại: không gian, thời gian, câu chuyện, nhân vật, người kể chuyện ngôi thứ ba, sự thay đổi điểm nhìn, sự kết nối giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật.
– HS hiểu được sự kiện chính của tác giả lựa chọn để tạo dựng tình huống truyện.
– HS nhận biết vai trò người kể chuyện trong cách quan sát và miêu tả sự thay đổi của nhân vật (điểm nhìn, lời kể và giọng điệu).
– HS có khả năng nhận biết, phân tích các chi tiết tiêu biểu để khái quát đặc điểm tính cách nhân vật.
b. Nội dung
– HS thực hiện theo yêu cầu của GV.
– HS làm việc cá nhân và hoạt động nhóm để tìm hiểu về tình huống truyện; vai trò người kể chuyện; nhân vật trong tác phẩm.
– GV hướng dẫn HS cách thức thực hiện và trình bày.
c. Sản phẩm
– Kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh.
d. Tổ chức thực hiện:
* Đọc – hiểu khái quát
Hoạt động của GV – HS | Dự kiến sản phẩm |
* Nhiệm vụ 1: Đọc và nêu cảm nhận chung Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ – HS đọc bài ở nhà. Em hãy chọn đọc một vài chi tiết, sự kiện trong truyện mà em yêu thích. HS chia sẻ vì sao em lại thích chi tiết, sự kiện đó? – GV nhắc HS chú ý những gợi ý, định hướng trong các thẻ chỉ dẫn bên phải văn bản. Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ – HS đọc, nêu cảm nhận của cá nhân. Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ – Gọi 2 – 3 em đọc và chia sẻ cảm nhận của mình. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ – GV căn cứ vào Dự kiến sản phẩm để nhận xét, đánh giá kết quả làm việc của HS. | II. Khám phá văn bản 1. Đọc hiểu khái quát văn bản a. Đọc – Cách đọc: Vừa chậm rãi, hóm hỉnh, hài hước vừa đồng cảm thiết tha; chú ý những câu thoại ngắn, lửng lơ cần đọc nhấn giọng để hiểu ý. HS nêu cảm nhận cá nhân – HS có thể chọn những chi tiết, sự kiện trong truyện khác nhau. Nêu cảm nhận khái quát về những chi tiết, sự kiện đó, lí giải được cơ bản về sự yêu thích của mình. |
* Nhiệm vụ 2: Xác định bố cục truyện Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ – Từ sự chuẩn bị bài ở nhà em hãy cho biết câu chuyện trong Vợ nhặt được kể theo trình tự nào, có thể chia thành mấy phần? Nêu khái quát nội dung từng phần?( GV lưu ý HS về một số dấu hiệu phân đoạn hiện diện trên bề mặt văn bản: dấu hoa thị, sự xen kẽ của một số đoạn tóm tắt phần bị lược trích, cần quan tâm đến các mốc thời gian trong câu chuyện được kể: một buổi chiều giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát…sáng hôm sau mặt trời lên bằng con sào – Theo mạch truyện kể và trình tự sự kiện, em thấy truyện ngắn tập trung miêu tả nhiều nhất nhân vật nào? Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ – HS sử dụng máy chiếu/ tivi/ giấy A0 để trình bày kết quả làm việc của mình. – HS nhận xét và bổ sung cho nhau. Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ – HS trình bày. GV và HS theo dõi góp ý, bổ sung. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ – GV căn cứ vào Dự kiến sản phẩm để nhận xét, đánh giá kết quả làm việc của HS. à Chú ý: – Câu chuyện được bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Tràng và người phụ nữ sau này là vợ anh trong một lần Tràng đẩy xe thóc Liên đoàn lên tỉnh. Đến lần thứ hai, khi Tràng buông câu nói đẩy đưa bông đùa, người phụ nữ ấy đã quyết định theo Tràng về làm vợ- một quyết định liều lĩnh của hai người. Nhưng từ buổi chiều khi Tràng đưa vợ về ra mắt mẹ, cuộc sống của các nhân vật có những thay đổi quan trọngà Nhà văn đã tạo ra những chi tiết thắt nút, mở nút, sự luân phiên của những khoảnh khắc căng chùng khiến truyện có tiết tấu linh hoạt, hấp dẫn người đọc
| b. Bố cục – Theo diễn biến của câu chuyện: + Đoạn 1 (Từ đầu đến hết phần tóm tắt đoạn tỉnh lược thứ hai): Sự hiện diện bất ngờ của người “vợ nhặt” vào buổi chiều trong con mắt dân xóm ngụ cư. + Đoạn 2 (Tiếp theo đến “đẩy xe bò về…”): Tràng nhớ lại cơ duyên gặp người “vợ nhặt”. + Đoạn 3 (Tiếp theo đến hết phần tóm tắt đoạn tỉnh lược thứ ba): Cuộc “chạm mặt” giữa nhân vật bà cụ Tứ với nàng dâu mới. + Đoạn 4 (còn lại): Buổi sáng sau đêm tân hôn ở gia đình Tràng. – Theo mạch truyện kể: + Truyện ngắn Vợ nhặt bắt đầu từ buổi chiều Tràng đưa người vợ nhặt về nhà mình. + Sau đó Tràng hồi cố những gì xảy ra trước đó. -> Trình tự sự kiện trong mạch truyện kể cho thấy truyện tập trung miêu tả nhiều nhất những sự thay đổi trong tâm trạng và nhận thức của nhân vật Tràng
|
* Đọc hiểu chi tiết văn bản
Hoạt động của GV – HS | Dự kiến sản phẩm |
* Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu nhan đề và tình huống truyện Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS làm việc thảo luận theo cặp đôi để thực hiện yêu cầu: + Căn cứ vào nghĩa của từ em có suy nghĩ gì về ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt. + Xác định tình huống truyện trong Vợ nhặt được tác giả tạo ra. Lí giải về sự độc đáo và nêu ý nghĩa của tình huống đó. Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ – HS thực hiện thỏa luận theo yêu cầu và ghi ý kiến thống nhất vào giây để trình bày. Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ – GV cho HS báo cáo kết quả làm việc cặp đôi để cả lớp theo dõi, nhận xét và phản biện. – GV lắng nghe, hỗ trợ, tư vấn Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ – GV nhận xét đánh giá và bổ sung kết quả hoạt động của HS theo mục Sản phẩm. GV bổ sung làm rõ đặc điểm của tình huống truyện: Sự kiện xảy ra trong truyện dẫn đến những đột biến trong câu chuyện, làm bộc lộ những nét bản chất của đời sống và của nhân vật làm nổi hình nổi sắc nhân vật, đồng thời thể hiện rõ tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. | 2 Đọc hiểu chi tiết văn bản 2.1. Nhan đề và tình huống truyện a. Nhan đề – Hiểu nghĩa của từ + Nhặt (động từ): hành động không chủ định, nhặt nhạnh một thứ đồ vật nào đó bị rơi vãi, mang tính ngẫu nhiên, may rủi (trong kết hợp từ có thể được dùng như tính từ) + Vợ (danh từ): người bạn đời, người phụ nữ quan trọng trong cuộc sống người đàn ông -> Vợ nhặt: Con người (đáng lẽ cao quý) nhưng lại rẻ rúng như đồ vật, rơi vãi bên đường, dễ dàng nhặt được. – Ý nghĩa nhan đề + Nhan đề “Vợ nhặt” thâu tóm giá trị nội dung tư tưởng tác phẩm. Từ “nhặt” là động từ diễn tả sự rẻ rúng, tầm thường đi với những thứ lấy được cũng không ra gì. Thân phận con người bị rẻ rúng như cái rơm, cái rác, có thể “nhặt” ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Người ta hỏi vợ, cưới vợ, còn ở đây Tràng “nhặt” vợ. Đó thực chất là sự khốn cùng của hoàn cảnh, khiến người đọc vừa có thể phỏng đoán một tình huống khôi hài vừa liên hệ thân phận bé mọn, rẻ rúng của con người. => Nhan đề dự đoán được tình huống truyện, nhân vật chính, và các sắc thái tâm lí khác: thể hiện thảm cảnh của người dân trong nạn đói 1945 (Ất Dậu), bộc lộ sự cưu mang, đùm bọc và khát vọng, sức mạnh hướng tới cuộc sống, tổ ấm, niềm tin của con người trong cảnh khốn cùng. b. Tình huống truyện – Tình huống truyện: Tràng nhặt vợ trên phố chợ (ngoài tỉnh) nơi Tràng mưu sinh trong nạn đói 1945. – Tình huống độc đáo + Lấy vợ, cưới xin, hôn nhân là những việc trọng đại nhất của đời người, cần có những nghi lễ trang nghiêm, sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, cẩn trọng. + Nhặt vợ như nhặt nhạnh của rơi vãi, rẻ rúng. à Tràng- một chàng trai xấu, ngờ nghệch, là dân ngụ cư, gia cảnh nghèo khó bỗng nhặt vợ – chấp nhận một người phụ nữ tứ cố vô thân, mỗi ngày phải chống chọi với nguy cơ chết đói , theo mình về làm vợ giữa nạn đói. – Ý nghĩa + Tình huống bất ngờ (nằm ngoài mọi tính toán từ trước của cả hai nhân vật), éo le (trong nạn đói, chuyện dựng vợ gả chồng là chuyện xa vời với những người dân nghèo phải chật vật xoay xở để sống sót qua ngày), tạo thành trung tâm cốt truyện, làm nền cho sự nảy nở những tình huống nhỏ, phụ khác, góp phần hình thành tính cách nhân vật và thể hiện chủ đề truyện. + Tình huống mang giá trị nhân đạo khi tỏa sáng vẻ đẹp của tình người và tính người trong hoàn cảnh bi đát. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ- những thân phận nghèo khổ vẫn yêu thương, bao dung, có tinh thần lạc quan, có khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc. à Đặt trong tình huống truyện, theo trình tự câu chuyện – mỗi nhân vật đã có những thay đổi quan trọng từ diện mạo, tâm trạng, đến cách ứng xử. |
* Nhiệm vụ 4: Tìm hiểu nhân vật truyện Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS hoạt động nhóm (3 HS), phát Phiếu học tập số 1 để học sinh thảo luận, thống nhất về nội dung/ HS có thể chọn cách trình bày sơ đồ tư duy và trình bày. * Nhân vật Tràng + Xuất thân, lai lịch; Hành động “nhặt vợ”. + Diễn biến tâm lí của Tràng sau quyết định nhặt vợ (khi quyết định đưa thị về; trên đường về nhà; khi về đến nhà; sáng hôm sau tỉnh dậy). Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ – GV yêu cầu HS làm việc nhóm 3 người, thảo luận và thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ – HS đại diện nhóm lên trình bày sản phẩm. – HS theo dõi, nhận xét và phản biện. – GV lắng nghe, hỗ trợ, tư vấn. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ – GV đánh giá, bổ sung kiến thức như mục Dự kiến sản phẩm. | 2.2. Hình tượng các nhân vật qua điểm nhìn, lời kể và giọng điệu a. Nhân vật Tràng * Trước khi nhặt vợ – Ngoại hình: vẻ ngoài xấu xí, thô kệch. (Đôi mắt gà gà nhỏ tí, quai hàm bạnh ra, mặt thô kệch, thân hình thì vậm vạp, to rộng, cái đầu trọc nhẵn, cái lưng to rộng lừng lững như con gấu. Ngoại hình của Tràng phản chiếu cả một sự tăm tối, hằn in dấu ấn của cuộc đời nghèo khổ, lam lũ) – Hoàn cảnh: nhà nghèo, than phận dân ngụ cư bị coi thường, khinh rẻ; làm nghề kéo xe bò thuê. – Tính cách: ngờ nghệch, vụng về Ngôn ngữ khi suồng xã, lúc cộc lốc (“đấy, muốn ăn gì thì ăn”, “làm đếch gì có vợ”, khi lại lẩm bẩm một mình “quái, sao nó buồn thế nhỉ?” hay “Chán quá. Chẳng đâu vào đâu, tự nhiên cũng khóc”) * Sau khi nhặt vợ – Khi ở chợ: + Lúc đầu: nói đùa -> thành thật: “có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” -> Khát vọng về mái nhà hạnh phúc, về tổ ấm gia đình. -> lo “thóc gạo này…” -> vì nghèo đói, vì sự đèo bòng lúc này biết có qua khỏi nạn đói không -> băn khoăn về sự lựa chọn của một con người trước thử thách cuộc đời. + Sau đó: tặc lưỡi “chậc, kệ!”: thể hiện bên ngoài là sự liều lĩnh, chấp nhận người đàn bà một cách không tính toán như bản tính nông nổi, ít suy nghĩ của Tràng -> Ẩn đằng sau đó là khao khát về tổ ấm gia đình, về hạnh phúc lứa đôi. – Trên đường về nhà: + Mặt hắn “Phởn phở khác thường”, “tủm tỉm cười nụ một mình”, “hai mắt thì sáng lên lấp lánh”, bật cười khi bị trêu…. -> hạnh phúc, mãn nguyện; sự xôn xao trong lòng anh nông dân nghèo khổ, làm thuê làm mướn lần đầu có được “niềm vui” chưa từng có. – Khi về đến nhà: + Bước vào nhà Tràng vội dọn dẹp sơ qua, tự giải thích về cảnh bừa bộn áo quần đồ đạc… “không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy!” -> Lời thanh minh rất ngượng, nhưng chân chất, mộc mạc và đáng yêu. + Tiếp theo Tràng thấy ngượng, đứng sững sờ giữa nhà một lúc, cảm thấy sợ, không hiểu… trông ngóng mẹ về, sốt ruột mong mẹ về hơn bao giờ hết. + Tràng sợ đối diện với vợ, băn khoăn, lo lắng vì sợ vợ mới đổi ý vì gia cảnh khốn khó của hắn. Tràng còn phấp phỏng sợ vì chưa xin phép mẹ, không biết bà cụ có đồng ý hay không… cho nên anh gắt với mình một cách vô cớ, tự hỏi sao mẹ về muộn “Sao hôm nay bà lão về muộn thế không biết!”. + Tâm trạng Tràng xen lẫn lo lắng, băn hoăn và buồn “Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?”. Phải chăng cái buồn cho số phận, hoàn cảnh trớ trêu, cái buồn ấy lướt qua để cái hạnh phúc “tủm tỉm cười một mình” bởi món quà bất ngờ từ hoàn cảnh, hắn ngạc nhiên, ngờ ngợ như không phải thế. Câu hỏi “ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?” thể hiện chính hắn cũng không tin đó là sự thật. + Khi mẹ về, Tràng trịnh trọng mời mẹ vào nhà, trình bày ngắn gọn và mộc mạc câu chuyện lấy vợ đặc biệt của mình và cho rằng do duyên số cả, đây cũng là cách xin ý kiến mẹ. Khi được mẹ chấp nhận, thông cảm thì Tràng thở phào một cái, người nhẹ hẳn đi và bước ra sân. – Sau đêm tân hôn (sáng hôm sau): + “Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra” -> hạnh phúc ngọt ngào, vừa mơ vừa thực + “thấy thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”, “vui sướng, phấn chấn”, “hắn thấy có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này”; hắn muốn góp phần tu sửa cho căn nhà… -> Tràng tự thấy mình thay đổi, trưởng thành, ý thức được vị trí chủ nhà, biết sống trách nhiệm với mọi người, hắn sẽ tham gia xây dựng gia đình trong niềm vui sướng đột ngột tràn ngập trong lòng. – Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trên đê Sộp (“Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”) -> Nghĩ tới sự đổi thay, niềm tin vào tương lai, mơ hồ cảm thấy phải tham gia vào hành động chung của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Việt Minh để tự giải phóng. * Tiểu kết – Điểm nhìn: + Trước khi nhặt vợ: điểm nhìn bên ngoài (hình dáng, tính cách, lời nói ngôn ngữ và hoàn cảnh sống) + Sau khi nhặt vợ và buổi sáng hôm sau: điểm nhìn bên trong kết hợp bên ngoài (Suy nghĩ, cảm xúc tâm trạng, lời nói với cô vợ và người mẹ, suy nghĩ và cảm xúc vào buổi sáng ngày hôm sau). – Lời kể: Lời tái hiện ý thức và giọng điệu nhân vật, lời độc thoại nội tâm (“Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?… Ồ sao nó lại buồn thế nhỉ”) – Giọng điệu: mộc mạc, tự nhiên, gần gũi, có tính khẩu ngữ; có sự chắt lọc kĩ lưỡng, có sức gợi. – Theo trình tự câu chuyện, nhân vật có sự thay đổi: Từ ngờ nghệch, khó lấy vợ, Tràng như đổi khác. Tràng có những cảm giác mới mẻ, trỗi dậy tình nghĩa khi đi bên vợ, muốn sống cho nên người để lo cho gia đình, ý thức về sự đổi đời… => Hạnh phúc gia đình thực sự đã đến với người đàn ông thô kệch, kém duyên, nghèo khổ giữa cơn đói khát năm 1945. Thông qua đó, tác giả thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống bởi cuộc sống không có đường cùng nếu con người biết ước mơ, biết chắt chiu cơ hội để tìm kiếm hạnh phúc. |
* Nhiệm vụ 4: Tìm hiểu nhân vật (tiếp)- có thể định hướng cho HS tự chuẩn bị và trình bày với hai nhân vật bà cụ Tứ và người vợ nhặt nếu thời gian hữu hạn. Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS làm việc cá nhân và phát biểu cảm nhận của mình về nhân vật người vợ nhặt * Nhân vật ngừoi vợ nhặt + Xuất thân, lai lịch, biểu hiện. + Diễn biến trở thành vợ Tràng (khát khao sinh tồn và tìm kiếm hạnh phúc). Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ – GV yêu cầu HS làm việc cá nhân thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ – HS lên trình bày sản phẩm, cả lớp theo dõi, nhận xét và phản biện. – GV lắng nghe, hỗ trợ, tư vấn. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ – GV đánh giá, bổ sung kiến thức như mục Dự kiến sản phẩm.
| b. Nhân vật người vợ nhặt * Trước khi làm vợ nhặt – Thân phận: Thị là một cô gái không tên, không gia đình, quê hương, bị cái đói cướp đi tất cả, đẩy ra lề đường, rách rưới, gầy xọp… -> Người đàn bà không tên (phiếm định) đại diện cho biết bao con người trong nạn đói có chung số phận nhỏ nhoi, tội nghiệp, đáng thương, những nạn nhân thê thảm của nạn đói. – Lời nói, cử chỉ: + Cong cớn, sưng sỉa, chao chát, chỏng lỏn (“Điêu! Người thế mà điêu!”; “Hôm ấy leo lẻo cái mồm”) + “cắm mặt ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì”. -> Cái đói đã làm thị trở nên chao chát, đanh đá, liều lĩnh, đánh mất sĩ diện, sự e thẹn, bản chất dịu dàng, chấp nhận làm “vợ nhặt”. Tuy nhiên trong sâu thẳm con người, cô vẫn khao khát một mái ấm. * Sau khi làm vợ Tràng – Trên đường theo Tràng về: “Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che đi nửa mặt. Thị có vẻ rón ren, e thẹn”. Khi nhận thấy cái nhìn tò mò của người xung quanh, “thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước ríu cả vào chân kia” -> cái vẻ “cong cớn” biến mất, chỉ còn người phụ nữ xấu hổ, ngượng ngùng và cũng đầy nữ tính. – Khi về đến nhà: + Bước vào cổng: “nén một tiếng thở dài” -> Sự thất vọng thầm kín trước gia cảnh nhà chồng; sự chấp nhận hoàn cảnh, số phận đưa đẩy; sự cảm thông, chia sẻ với người cùng khổ. + Vào trong nhà:“ngồi mớm ở mép giường”; Gặp bà cụ Tứ: Chào “U” nhỏ nhẹ, đứng khép nép, mặt cúi xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt… -> Thị như ý thức được vị trí chưa chắc của mình, đang lo âu, băn khoăn, hồi hộp; xót xa, tủi phận -> người có lòng tự trọng. – Sáng hôm sau: + Dậy sớm, quét dọn nhà cửa; ăn nói lễ phép, đúng mực-> tham gia công việc nhà chồng một cách tự nguyện, chăm chỉ, có khả năng chịu khổ, biết đồng cảm, có ý thức chia sẻ, cảm thong; trở thành một người vợ hiền dâu thảo; biết chăm lo, vun vén cho gia đình (khác hẳn những lần Tràng gặp trên tỉnh) + Kể chuyện ở Bắc Giang, Thái Nguyên phá kho thóc Nhật chia cho người đói-> thắp lên niềm tin và hi vọng của mọi người. * Tiểu kết: – Điểm nhìn: + Trước khi theo Tràng: điểm nhìn bên ngoài (hình dáng, tính cách, cách nói chuyện) + Sau khi theo Tràng và buổi sáng ngày hôm sau: Bên ngoài (Hành động, nét mặt, biểu hiện qua những chi tiết nhỏ trên gương mặt) – Lời kể: Lời tái hiện ý thức và giọng điệu nhân vật (Thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài) – Giọng điệu: mộc mạc, chân thật, có tính khẩu ngữ; có sự chắt lọc… – Theo trình tự câu chuyện, nhân vật có sự thay đổi: Từ chao chát, chỏng lỏn, trơ trẽn, liều lĩnh theo một người đàn ông chưa hề quen biết, thị như trở thành một con người khác. Thị cư xử đúng mực, trở thành người vợ hiền dâu thảo, gieo niềm tin, vun đắp tổ ấm. => Qua nhân vật người vợ nhặt, nhà văn đã tô đậm hiện thực nạn đói và đặc biệt là giá trị nhân đạo của tác phẩm: dù trong hoàn cảnh nào, người phụ nữ vẫn khát khao sự sống, khao khát một mái ấm gia đình hạnh phúc, có niềm tin cuộc sống. |
* Nhiệm vụ 4: Tìm hiểu nhân vật (tiếp) Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS hoạt động nhóm (3 HS), phát Phiếu học tập số 2 để học sinh thảo luận và tìm hiểu về nhân vật bà cụ Tứ + Hình ảnh người mẹ + Diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ (gặp mặt, trao đổi và đãi cơm). Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ – GV yêu cầu HS làm việc nhóm 3 người, thảo luận và thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ – HS đại diện nhóm lên trình bày sản phẩm, cả lướp theo dõi, nhận xét và phản biện. – GV lắng nghe, hỗ trợ, tư vấn. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ – GV đánh giá, bổ sung kiến thức như mục Dự kiến sản phẩm. | c. Nhân vật bà cụ Tứ * Trước khi Tràng có vợ – Hoàn cảnh: Bà là một người mẹ nghèo khổ, góa bụa, già nua, ốm yếu, là dân ngụ cư, sống cùng con trai trong ngôi nhà rúm ró. – Ngoại hình: “lọng khọng”, “lập cập”; vừa đi vừa “lẩm bẩm tính toán”, “húng hắng ho” -> Tuổi tác, vất vả, lo toan hằn in lên vóc dáng người mẹ nghèo khổ, ốm yếu. * Sau khi Tràng có vợ – Khi mới bước vào nhà: + Khi nghe tiếng reo, nhận thấy thái độ vồn vã khác thường của con (vô tâm, vô tính), bà lão phấp phỏng, biết có điều bất thường đang chờ đợi. + Đến giữa sân nhà, “bà lão đứng sững lại, càng ngạc nhiên hơn”, đặt ra hàng loạt câu hỏi “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?… Ai thế nhỉ?” -> ngạc nhiên, sững sờ. – Khi nghe Tràng thưa chuyện + Bà cúi đầu nín lặng, không nói và hiểu ra. Trong lòng chất chứa biết bao suy nghĩ: “Bà lão hiểu rồi… vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình” -> thương con, buồn tủi khi nghĩ đến thân phận của con phải lấy vợ trong hoàn cảnh éo le này. + “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng… đói khát này không” -> Lo lắng vì không biết vợ chồng nó có sống qua nổi cái đói này không. + “Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…”. -> Thương cho người đàn bà khốn khổ cùng đường mới lấy đến con trai mình mà không tính đến nghi lễ cưới hỏi -> Người mẹ thấu cảm + “Thôi thì bổn phận bà là mẹ… chứ biết thế nào mà lo cho hết được”. Tủi vì chưa hoàn thành bổn phận người mẹ lo vợ cho con trai. Mừng cho con trai mình có được vợ nhưng không giấu được sự lo lắng khi nghĩ đến tương lai của con. – Khi trò chuyện với các con: + “ừ, thôi thì các con phải duyên, phải số với nhau, u cũng mừng lòng” -> Nén vào lòng tất cả những lo lắng xót xa, bà giang tay đón người đàn bà xa lạ làm con dâu mình với tất cả sự cảm thông, bao dung -> người mẹ hiểu chuyện, thấu cảm. + Từ tốn căn dặn nàng dâu mới “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba, họ ai khó ba đời” -> Bà an ủi, động viên, gieo vào lòng con dâu niềm tin. + Tuy vậy, bà vẫn không sao thoát khỏi sự ngao ngán khi nghĩ đến ông lão, đứa con gái út, “đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?” -> Xót thương, lo lắng cho cảnh ngộ của con dâu. => một người mẹ nghèo khổ, rất mực thương con; một người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha, – Buổi sáng hôm sau: + “Sáng hôm sau, bà cảm thấy “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Cùng với nàng dâu, bà thu dọn, quét nước nhà cửa, ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình. + Bữa cơm đãi nàng dâu mới: bữa cơm ngày đói thật thảm hại nhưng “cả nhà ăn rất ngon lành”. -> chắt chiu hạnh phúc đơn sơ. + Bà toàn nói đến chuyện tương lai, chuyện vui, chuyện làm ăn với con dâu “khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà, ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có đàn gà cho xem” -> nhen nhóm niềm tin, niềm hi vọng cho các con, là một con người lạc quan, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng. + Chi tiết nồi chè khoán: -> hình ảnh thu nhỏ của hiện thực đói nghèo trong cuộc sống của người dân xóm ngụ cư giữa nạn đói năm 1945. -> lời tố cáo tội ác của thực dân, phát xít, đã gây ra thảm cảnh nạn đói cho người Việt. -> Sự chắt chiu, tấm lòng của người mẹ dành cho các con. * Tiểu kết: – Điểm nhìn: + Khi Tràng vừa đưa thị về: điểm nhìn bên ngoài (lời nói) và bên trong (suy nghĩ, cảm xúc dành cho đứa con) + Buổi sáng ngày hôm sau: Bên ngoài (Lời nói và hành động) – Lời kể: Lời tái hiện ý thức và giọng điệu nhân vật (đối thoại và độc thoại nội tâm). – Giọng điệu: mộc mạc, tự nhiên, diễn tả chân thật, tinh tế từng ánh mắt, cử chỉ và nội tâm của nhân vật. – Theo trình tự câu chuyện, nhân vật có sự thay đổi: Từ bủng beo, u ám -> ngạc nhiên -> đau đớn, tủi cực, xót xa xen lẫn vui mừng -> rạng rỡ, có niềm tin vào tương lai, dự cảm đổi đời. => Hình tượng nhân vật bà cụ Tứ hoàn chỉnh bức tranh chân thực về cuộc sống và con người trong nạn đói, làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm. |
Rubric thảo luận nhóm:
TIÊU CHÍ | CẦN CỐ GẮNG (0 – 4 điểm) | ĐÃ LÀM TỐT (5 – 7 điểm) | RẤT XUẤT SẮC (8 – 10 điểm) |
Hình thức (2 điểm) | 0 điểm Bài làm còn sơ sài, trình bày cẩu thả Sai lỗi chính tả | 1 điểm Bài làm tương đối đẩy đủ, chỉn chu Trình bày cẩn thận Không có lỗi chính tả | 2 điểm Bài làm tương đối đẩy đủ, chỉn chu Trình bày cẩn thận Không có lỗi chính tả Có sự sáng tạo |
Nội dung (6 điểm) | 1 – 3 điểm Chưa trả lơi đúng câu hỏi trọng tâm Không trả lời đủ hết các câu hỏi gợi dẫn Nội dung sơ sài mới dừng lại ở mức độ biết và nhận diện | 4 – 5 điểm Trả lời tương đối đầy đủ các câu hỏi gợi dẫn Trả lời đúng trọng tâm Có ít nhất 1 – 2 ý mở rộng nâng cao | 6 điểm Trả lời tương đối đầy đủ các câu hỏi gợi dẫn Trả lời đúng trọng tâm Có nhiều hơn 2 ý mở rộng nâng cao Có sự sáng tạo |
Hiệu quả nhóm (2 điểm) | 0 điểm Các thành viên chưa gắn kết chặt chẽ Vẫn còn trên 2 thành viên không tham gia hoạt động | 1 điểm Hoạt động tương đối gắn kết, có tranh luận nhưng vẫn đi đến thông nhát Vẫn còn 1 thành viên không tham gia hoạt động | 2 điểm Hoạt động gắn kết Có sự đồng thuận và nhiều ý tưởng khác biệt, sáng tạo Toàn bộ thành viên đều tham gia hoạt động |
Điểm | |||
TỔNG |
Nội dung 3: Tổng kết
a. Mục tiêu
– HS biết cách khái quát vấn đề qua một văn bản truyện cụ thể
b. Nội dung
– HS thực hiện theo yêu cầu của GV.
– HS làm việc cá nhân và hoạt động nhóm để tìm hiểu về giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật tác phẩm.
– GV hướng dẫn HS cách thức thực hiện và trình bày.
c. Sản phẩm
– Kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh.
d. Tổ chức thực hiện:
Hoạt động của GV – HS | Dự kiến sản phẩm |
Bước 1. Chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS tổng kết văn bản qua các yêu cầu: Giá trị nội dung; Đặc sắc nghệ thuật à Lưu ý HS phát hiện đặc điểm nghệ thuật gắn với dẫn chứng từ văn bản. Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ: – HS sử dụng máy chiếu/ tivi/ giấy A0 để trình bày kết quả làm việc của mình. Bước 3. Báo cáo thảo luận: – HS trình bày. GV và HS theo dõi góp ý, bổ sung. Bước 4. Đánh giá kết quả thực hiện: – GV căn cứ vào Dự kiến sản phẩm để nhận xét, đánh giá kết quả làm việc của HS. Chú ý: chỉ rõ cho HS cách người kể chuyện quan sát và miêu tả sự thay đổi của các nhân vật qua điểm nhìn, lời kể, giọng điệuà khái quát đặc sắc nghệ thuật tác phẩm. GV bổ sung: – Kiến thức lớp 10 ( tr.38 – NV tập 2): Người kể chuyện ngôi thứ ba là người ẩn danh, không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm như một nhân vật, không tham gia vào mạch vận động của cốt truyện và chỉ được nhận biết qua lời kể. Người kể chuyện ngôi thứ ba có khả năng nắm bắt tất cả những gì diễn ra trong câu chuyện, kể cả những biểu hiện sâu kín trong nội tâm nhân vật, do vậy có khả năng trở thành người kể chuyện toàn tri( biết hết mọi chuyện) song người kể chuyện ngôi thứ ba có sử dụng quyền toàn tri hay không còn tùy thuộc vào nguyên tắc tổ chức truyện kể của từng tác phẩm.
| III. Tổng kết 1. Nội dung – Tình cảnh thê thảm của người nông dân Việt Nam trước cách mạng trong nạn đói khủng khiếp 1945 -> giá trị hiện thực. – Trân trọng và ngợi ca tình yêu thương, đùm bọc, niềm khát khao tổ ấm gia đình, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống của những con người nghèo khổ ngay bên bờ vực của cái chết. -> giá trị nhân đạo sâu sắc. à Chủ đề: Thông qua tình huống truyện bất ngờ mà éo le, Vợ nhặt đề cao sức mạnh của lòng cảm thông giữa con người với con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt; đề cao niềm lạc quan tin tưởng vào sự sống. Chia sẻ của Kim Lân: Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết, những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người. 2. Nghệ thuật – Cách kể chuyện tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn, kể theo ngôi thứ ba song có sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật, nương theo điểm nhìn của các nhân vật, đặc biệt nhân vật Tràng và bà cụ Tứ. + Ngôi kể thứ ba cho phép người kể chuyện có thể quan sát cả ba nhân vật cũng như bối cảnh của câu chuyện. Điểm nhìn của người kể chuyện chiếm ưu thế trong những miêu tả về nạn đói khiến người đọc hình dung chân thật về cái đói khủng khiếp thành hình, thành màu, thành mùi, thành âm thanh. + Người kể chuyện thường nương theo điểm nhìn của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật Tràng và bà mẹ. Điểm nhìn bên trong là loại điểm nhìn chủ yếu của Vợ nhặt, làm phát lộ những suy nghĩ bên trong, những thay đổi trong tâm trạng của các nhân vật. Người vợ nhật chủ yếu là nhân vật được quan sát từ bên ngoài qua điểm nhìn của người kể chuyện và Tràng( người đọc cần chú ý phát hiện vẻ đẹp con người bên trong nhân vật qua những thay đổi bên ngoài của nhân vật theo mạch truyện- ví dụ cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài) – Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đầy tính sáng tạo. – Dựng cảnh chân thật, gây ấn tượng: cảnh chết đói, cảnh bữa cơm ngày đói,… – Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế nhưng bộc lộ tự nhiên, chân thật. – Ngôn ngữ gần gũi, mộc mạc, tự nhiên, giàu giá trị tạo hình, gợi tả, biểu cảm (đặc biệt là các từ láy), sắc thái khẩu ngữ đời thường, đậm đà bản sắc địa phương. – Giọng kể thay đổi linh hoạt theo sự thay đổi điểm nhìn, bao trùm là giọng hóm hỉnh, hài hước pha lẫn giọng ưu ái, cảm thông. |
Phiếu học tập số 1 VỢ NHẶT (Kim Lân) Tìm hiểu về nhân vật Tràng |
· Nhân vật Tràng + Xuất thân, lai lịch ………………………………………… + Hành động “nhặt vợ” ………………………………………… + Diễn biến tâm lí của Tràng sau quyết định nhặt vợ (khi quyết định đưa thị về; trên đường về nhà; khi về đến nhà; sáng hôm sau tỉnh dậy) ………………………………………… |
Phiếu học tập số 2 VỢ NHẶT (Kim Lân) Tìm hiểu về nhân vật bà cụ Tứ |
· Nhân vật bà cụ Tứ + Ngoại hình, số phận ………………………………………………………………… + Diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ (gặp mặt, nói chuyện và nấu bữa cơm đón nàng dâu mới) ………………………………………………………………… |
HOẠT ĐỘNG 3: LUYỆN TẬP
a. Mục tiêu
– HS hiểu một cách sâu sắc về điểm nhìn trần thuật trong một tác phẩm tự sự.
– HS biết cách thể hiện vấn đề bằng sự kết hợp giữa phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ.
b. Nội dung hoạt động
– HS thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của GV.
– GV hướng dẫn HS thực hiện và trình bày.
c. Sản phẩm: Kết quả làm việc của HS.
d. Tổ chức thực hiện
Hoạt động của GV – HS | Dự kiến sản phẩm | |||||||
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS làm việc cá nhân để thực hiện yêu cầu. + Vẽ sơ đồ biểu thị điểm nhìn trong tác phẩm “Vợ nhặt” – Kim Lân. Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ – GV yêu cầu HS làm việc cá nhân thực hiện nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo thảo luận – HS lên trình bày sản phẩmcủa mình qua (Máy chiếu, tivi…) cả lớp theo dõi, nhận xét và phản biện. – GV lắng nghe, hỗ trợ, tư vấn. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện – GV nhận xét, tư vấn và bổ sung kiến thức như mục Dự kiến sản phẩm.
|
|
HOẠT ĐỘNG 4: VẬN DỤNG
a. Mục tiêu
– HS biết cách liên hệ thực tế để làm rõ vấn đề từ một tác phẩm văn học cụ thể.
– HS biết cách đọc tích cực từ văn bản để tự bồi đắp kinh nghiệm sống, hình thành thái độ ứng xử nhân văn trước cuộc đời.
b. Nội dung hoạt động
– HS biết cách vận dụng kiến thức, kĩ năng để liên hệ mở rộng.
– GV hướng dẫn HS thực hiện nhiệm vụ và trình bày.
c. Sản phẩm: Kết quả làm việc của hcọ sinh.
d. Tổ chức thực hiện:
Hoạt động của GV – HS | Dự kiến sản phẩm |
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS làm việc cá nhân để tìm hiểu và thuyết minh về một trong các vấn đề: +Vấn đề 1: Câu chuyện trong tác phẩm đã gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tình người trong hoạn nạn, khó khăn của dân tộc ta. Hãy liên hệ vấn đề với xã hội ngày nay. + Vấn đề 2: Có thể xem truyện ngắn Vợ nhặt là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói không? Nêu và phân tích quan điểm bản thân. Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ – GV yêu cầu HS làm cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ. Bước 3: Báo cáo, thảo luận – HS lên trình bày sản phẩm của mình qua (Máy chiếu/ tivi…) cả lớp theo dõi, nhận xét và phản biện. – GV lắng nghe, hỗ trợ, tư vấn. Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện – GV đánh giá, bổ sung kiến thức như mục Dự kiến sản phẩm. | * HS có thể trình bày nhiều cách khác nhau và sau đây là một số gợi ý cho vấn đề 1 – Đặt vấn đề + Trong cuộc sống, việc gặp hoàn cảnh éo le vẫn thường xảy đến không chỉ cá nhân mà có khi cả xã hội. + Trong sự hoạn nạn đó, ta rất cần sự chung tay giúp sức của những con người trong cộng đồng. – Triển khai vấn đề + Dân tộc Việt Nam luôn có tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”; “Đói bụng mới biết cơm ngon; Gặp cơn hoạn nạn mới biết bà con thương mình”… + Thực tế xã hội đã chứng minh cho tư tưởng, đạo lí đó qua những chương trình “Vì người nghèo”; “Tết ấm tình người”, Cứu trợ lũ lụt… đặc biệt là qua đại dịch Covid-19… + Tuy nhiên vẫn còn có một bộ phận thờ ơ, vô cảm trước hoạn nạn của dân tộc Đáng xấu hổ khi có những kẻ còn lợi dụng vào sự hoạn nạn, éo le đó để trục lợi (liên hệ vụ Chuyến bay giải cứu- tòa án nhân dân Hà Nội xét xử tháng 7-2023) – Kết thúc vấn đề + Khẳng định được tình cảm của con người trong hoạn nạn thật đáng trân trọng. + Lên án những kẻ thờ ơ, vô cảm, thậm chí trục lợi trước nỗi đau đồng loại. * Gợi ý cho vấn đề 2: – Có thể xem truyện ngắn Vợ nhặt là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói bởi: – Câu chuyện trong truyện ngắn “Vợ nhặt” có motip giống với truyện cổ tích, đám cưới của Tràng với thị cũng được coi là đám cưới cổ tích. + Giữa cái cảnh đói kém, khi mà bản thân còn lo chưa xong nhưng vẫn ánh lên tình thương giữa người với người trong hoàn cảnh khốn cùng ấy. Tràng và bà cụ Tứ sẵn sàng đèo bồng thêm một người vợ nhặt, thị cũng sẵn sàng theo không Tràng về làm vợ. Khát vọng hạnh phúc gia đình lớn lao hơn những nhu cầu cuộc sống tầm thường. + Chuyện kết thúc bằng một chi tiết “sáng” mở ra một tương lai mới cho các nhân vật (hình ảnh phá kho thóc Nhật, đoàn người đi trên đê và lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới). |
4. Củng cố:
5. HDVN: * Kết nối đọc – viết
a. Mục tiêu
+ Rèn luyện cho học sinh viết một đoạn văn nghị luận (NLXH hoặc NLVH)
+ HS biết cách nhận diện về một thông điệp có ý nghĩa với bản thân được rút ra từ một truyện ngắn hiện đại.
+ HS nhận thức được bài học suộc sống mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình.
b. Nội dung
– HS thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của GV.
– GV hướng dẫn HS thực hiện và trình bày.
c. Sản phẩm
+ Bài viết của học sinh.
d. Tổ chức thực hiện
Hoạt động của GV – HS | Dự kiến sản phẩm |
Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ – GV yêu cầu HS làm việc, trao đổi thảo luận (tại lớp- có thể dành 10-15 phút, có thể để lập dàn ý cho bài viết., có thể nêu định hướng Về nhà HS hoàn thiện viết đoạn văn. + Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về một thông điệp có ý nghĩa với bản thân được rút ra từ truyện ngắn Vợ nhặt. GV lưu ý HS: Một tác phẩm có thể chứa đựng nhiều thông điệp và các thông điệp đó có những tác động khác nhau đến mỗi người đọc, Vì vậy cần tránh sao chép, chỉ nên nêu những điều mình thấy có ý nghĩa, thực sự gây tác động mạnh về tình cảm và nhận thức đối với bản thân. Bước 2: HS nhận nhiệm vụ thực hiện – HS thực hiện yêu cầu theo sự hướng dẫn của GV Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ – HS lên trình bày sản phẩm, GV cùng HS theo dõi, góp ý và bổ sung. – Cho HS đọc đoạn văn hay trước lớp. Bước 4: Đánh giá sản phẩm – (Đầu tiết học sau) GV cho HS đánh giá, nhận xét về đoạn văn học sinh đã viết. GV đánh giá theo yêu cầu viết đoạn văn. | * HS có thể có nhiều cách trình bày khác nhau song cần lưu ý – HS cần nắm lại kiến thức ở phần đọc hiểu để rút ra thông điệp cuộc sống từ tác phẩm. – Đảm bảo cấu trúc đoạn văn – Biết cách triển khai đoạn văn Ví dụ: + Mở đoạn: Giới thiệu được thông điệp có ý nghĩa với bản thân được rút ra từ truyện ngắn Vợ nhặt + Thân đoạn: triển khai đoạn văn logic, hợp lí; Vận dụng lí luận và dẫn chứng để làm sáng tỏ thông điệp có ý nghĩa với bản thân. + Kết đoạn: Khẳng định được thông điệp có ý nghĩa với bản thân được rút ra từ truyện ngắn Vợ nhặt. |
Đoạn văn tham khảo:
Mọi truyện ngắn hay bao giờ cũng phản ánh chân thực cuộc sống và hướng con người tới những Chân- Thiện – Mĩ. “Vợ nhặt” xứng đáng là kiệt tác không chỉ vì nghệ thuật viết truyện ngắn hiện đại mà còn bởi nhà văn đã thiết tha gửi tới bạn đọc ý nghĩa nhân bản sâu sắc với người đọc bao thế hệ mà đã gần bảy thập kỷ nhưng những thông điệp cuộc sống qua hiện thực thời bấy giờ đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là tình người trong hoạn nạn khó khăn đến mức đối diện với ranh giới giữa sự sống và cái chết, là cách con người lao động càng yêu thương nhau, giữ được phẩm chất đẹp đẽ, dám cưu mang người khác trong khi cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không. Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân – một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với “thuần hậu phong thủy” ấy nên sau Cách mạng, ông đã bắt tay ngay vào viết tác phẩm Xóm ngụ cư và khi hòa bình lập lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên chuyện ấy song ở một lát cắt cô đọng của truyện ngắn. Cuộc sống đói khổ khắc nghiệt đã đọa đày, nhưng không thể dập tắt được phần NGƯỜI tìm thấy: là khao khát sống, khao khát hạnh phúc cùng niềm tin mãnh liệt vào sự sống trong niềm vui của sự nương tựa, cưu mang. Tình vợ chồng, mẹ con, tình người của những người dân trong xóm ngụ cư sẽ là động lực giúp họ sức mạnh vượt qua những cơn hoạn nạn khủng khiếp. Ba nhân vật: Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ cùng những tình cảm, lẽ sống cao đẹp của họ chính là những điểm sáng mà nhà văn luôn một lòng đi về với đất với người với những thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn trân trọng phát hiện trong một đề tài không mới nhưng thật độc đáo trong cách nhìn. Như vậy bên cạnh thể hiện thành công nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, khả năng tạo tình huống hấp dẫn thì tác phẩm còn có đa tầng ý nghĩa, nhiều thông điệp cuộc sống. Một trong những thông điệp để lại cho chúng ta có ý nghĩa giáo dục đối với tâm hồn người, với cộng đồng là tình người trong hoạn nạn và nghị lực vượt lên nghịch cảnh để có được cuộc sống sống cho ra con người như một bài ca không bao giờ quên từ một thời kì lịch sử không bao giờ quên.
Rubric chấm bài viết viết KẾT NỐI ĐỌC – VIẾT:
TIÊU CHÍ | CẦN CỐ GẮNG (0 – 4 điểm) | ĐÃ LÀM TỐT (5 – 7 điểm) | RẤT XUẤT SẮC (8 – 10 điểm) |
Hình thức (3 điểm) | 1 điểm Bài làm còn sơ sài, trình bày cẩu thả Sai lỗi chính tả Sai kết cấu đoạn | 2 điểm Bài làm tương đối đẩy đủ, chỉn chu Trình bày cẩn thận Chuẩn kết câu đoạn Không có lỗi chính tả | 3 điểm Bài làm tương đối đẩy đủ, chỉn chu Trình bày cẩn thận Chuẩn kết câu đoạn Không có lỗi chính tả Có sự sáng tạo |
Nội dung (7 điểm) | 1 – 4 điểm Nội dung sơ sài mới dừng lại ở mức độ biết và nhận diện | 5 – 6 điểm Nội dung đúng, đủ và trọng tâm Có ít nhất 1 – 2 ý mở rộng nâng cao | 7 điểm Nội dung đúng, đủ và trọng tâm Có ít nhất 1 – 2 ý mở rộng nâng cao Có sự sáng tạo |
Điểm | |||
TỔNG |
Để tham khảo thêm giác án các môn khác thầy cô vào phần Giáo án lớp 11 tại mục Giáo án.